Xây dựng Nhà_Tùy

Thời Tùy, Tùy Văn Đế và Tùy Dạng Đế cho xây dựng rất nhiều công trình, mục đích là để tăng cường ảnh hưởng và tính lưu động của chính trị, quân sự, kinh tế, mậu dịch.[60] Đương thời, các công trình lớn được xây dựng có Đại Hưng thành, đông đô Lạc Dương, các kho lương lớn, Đại Vận Hà, trì đạo và Trường Thành.[20] Để thuận tiên trong việc quản lý khu vực phía đông Đồng Quan và duy trì cung ứng lương thực cho Quan Trung, triều Tùy cho xây dựng các kho lương lớn như Lạc Khẩu hay Hồi Lạc ở gần Lạc Dương. Đồng thời, tại các địa phương trên toàn quốc cho thiết lập rộng rãi 'quan thương' và 'nghĩa thương', dự trữ sẵn cho nhu cầu của quốc gia, có thể tích trữ lương thực đề phòng tai họa. Nhằm củng cố lực lượng quốc phòng ở phương bắc, triều Tùy cho xây dựng 'trì đạo' dẫn tới Tịnh châu, xây dựng mở rộng Trường Thành để bảo hộ dân tộc thiểu số phương bắc dã quy phụ.[23] Các công trình này khiến cho kinh tế và mậu dịch của Quang Trung và các khu vực nam-bắc phát triển, nổi tiếng nhất là Đại Hưng thành và Đại Vận Hà.

Đại Vận Hà

Tùy Đường Đại Vận Hà, lấy đông đô Lạc Dương làm trung tâm; tây theo 'Quảng Thông cừ' (廣通渠) đến Đại Hưng thành Trường An; bắc theo 'Vĩnh Tế cừ' (永濟渠) đến Trác châu; nam theo 'Thông Tế cừ' (通濟渠), 'Sơn Dương độc' (山陽瀆) và 'Giang Nam Vận Hà' (江南運河) mà đến Giang Đô, Dư Hàng.

Trung tâm chính trị và quân sự của triều Tùy là Quan Trung và Hoa Bắc, trước khi hưng binh diệt Nam triều Trần, triều Tùy đã bắt đầu cho tạo sông đào để chuyển quân xuống phía nam. Sau khi bình định Nam triều Trần, để vận chuyển lương thực và sản phẩm tơ lụa của Giang Nam đến Trung Nguyên, triều Tùy lại liên tiếp cho tạo thêm nhiều sông đào, đồng thời ở đôi bờ cho xây dựng 'ngự đạo', trồng liều giữ bờ. Việc xây dựng các thủy đạo vận chuyển hàng hóa chủ yếu lợi dụng dòng chảy sông tự nhiên, hoặc nạo vét các luồng lạch cũ, chỉ có một bộ phận nhỏ là phải dùng nhân lực để đào mới.[77] Cuối cùng hình thành một hệ thống thủy đạo vận chuyển có trung tâm, điểm đầu là đông đô Lạc Dương.[78]

Năm Khai Hoàng thứ 4 (584), để vận chuyển tài nguyên từ Quan Đông đến Quan Trung, Tùy Văn Đế cho đào 'Quảng Thông cừ, dẫn nước Vị Thủy từ Trường An đến Đồng Quan. Năm Khai Hoàng thứ 7 (587), để phục vụ cho việc hưng binh diệt nam triều Trần, triều Tùy cho đào 'Sơn Dương độc' dựa theo 'Hàn câu' mà Ngô vương Phù Sai cho đào từ năm 486 TCN, sông đào này nối từ Sơn Dương (nay là Hoài An, Giang Tô) nhập vào Trường Giang tại Giang Đô. Việc xây dựng thủy đạo vận chuyển được tiến hành trên quy mô lớn vào thời Tùy Dạng Đế, năm Đại Nghiệp thứ 1 (605), khai thông 'Thông Tế cừ', còn gọi là 'Biện cừ'. Đoạn tây của 'Thông Tế cừ' khởi đầu từ Tây Giao Lạc Dương hiện nay dẫn nước Cốc ThủyLạc Thủy nhập vào Hoàng Hà. Đoạn đông của 'Thông Tế cừ' bắt đầu từ Tỉ Thủy Huỳnh Dương, theo thủy đạo do Phù Sai cho đào khi xưa, dẫn nước Hoàng Hà qua Biện Thủy, Tứ Thủy thông đến Hoài Hà; qua các thành thị là Biện châu (nay là Khai Phong, Hà Nam), Tống châu (nay là Thương Khâu, Hà Nam), Túc châu (nay là Túc Châu, An Huy), Tứ châu (nay là Tứ huyện, An Huy). Cùng năm, triều Tùy lại huy động hơn 10 vạn dân Hoài Nam một lần nữa xây dựng 'Sơn Dương độc', chỉnh trị cho thẳng, không còn phải vòng qua hồ Xạ Dương mà tiến thẳng đến Trường Giang. Để vận chuyển lương thực và tơ lụa từ Giang Nam đến Lạc Dương, năm Đại Nghiệp thứ 6 (610), triều đình bắt đầu cho đào đắp 'Giang Nam Vận hà', từ Kinh Châu (nay thuộc Trấn Giang, Giang Tô), qua Ngô châu (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô), đến sông Tiền Đường ở Dư Hàng (nay thuộc Hàng Châu, Chiết Giang), dài trên 800 lý, rộng hơn 10 trượng. Đến lúc này, hoàn thành đoạn Nam của Đại Vận Hà, Tùy Dạng Đế còn chuẩn bị đến Chiết Giang du ngoại Cối Kê Sơn. Do phải vận chuyển một lượng vật tư to lớn cho chiến dịch tiến công Cao Câu Ly, vào năm Đại Nghiệp thứ 4 (608), triều đình huy động trên 1 triệu nhân dân các quận Hà Bắc mở 'Vĩnh Tế cừ', dẫn nước từ Thấm Thủy về phía nam đến Hoàng Hà, về phía bắc gặp Vệ Hà thẳng đến Trác châu (nay thuộc Thiên Tân), hoàn thành đoạn Bắc của Đại Vận Hà.[79] Trác châu liền trở thành nơi tập trung người và vật tư cho chiến dịch tiến công Cao Câu Ly.[80]

Đại Vận Hà thời Tùy-Đương do Quảng Thông cừ, Vĩnh Tế cừ, Thông Tế cừ, Sơn Dương độc, Giang Nam Vận Hà hợp thành, độ dài khoảng 2.700 km. Năm Đại Nghiệp thứ 7 (611), Tùy Dạng Đế đi trên 'long chu' (thuyền rồng) từ Giang Đô thẳng đến Trác châu. Tháp tùng Tùy Dạng Đế là bá quan, còn binh sĩ đi hai bên bờ, mất hơn 50 ngày để đến Trác châu, bình quân mỗi ngày chỉ đi hơn 50 lý. Còn thuyền của người dân bình thường đi một ngày đêm được 100 lý, thì từ Giang Đô đến Trác châu không quá một tháng, đường thủy qua đó thể hiện được sự tiện lợi so với đường bộ.[81] Thành Lạc Dương thời Tùy nằm ở trung tâm của Đại Vận Hà, đi về phía tây là Đại Hưng thành, nam thông đến Hàng châu, bắc thông đến Trác châu, trở thành nơi tập hợp và phân phối hàng hóa của quốc gia; Giang Đô trở thành nơi trung chuyển hàng hóa ở Giang Nam, trở thành trọng tâm kinh tế thời Tùy-Đường; nằm ven Đại Vận Hà là các thành thị thương nghiệp phát triển như nấm mọc sau mưa. Đại Vận Hà thời Tùy-Đường đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương nằm ven tuyến, sau khi hoàn thành thì đóng vai trò là tuyến đường liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa bắc-nam Trung Quốc trong 600 năm sau đó,[60] xúc tiến giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các châu huyện nằm ven tuyến.[21]

Đại Hưng thành

Bản đồ kiến trúc của Đại Hưng thành

Trường An thời Hán trải qua chiến tranh đã bị tàn phá, đổ nát, hình dạng và cấu trúc của cung thất nhỏ hẹp, không thể thích ừng với yêu cầu về đô thành của Tùy Đế. Cộng thêm hàng trăm năm nước bẩn lắng đọng trong thành thị, tắc nghẽn khó thoát, cung ứng nước cũng là một vấn đề.[82] Do vậy, Tùy Văn Đế từ bỏ Trường An thời Hán ở phía bắc Long Thủ Nguyên, ở phía nam Long Thủ Nguyên (đông nam Trường Thanh thời Hán) chọn được một địa điểm để dựng thành Trường An mới.[83] Tháng 1 ÂL năm 582, Tùy Văn Đế mệnh Vũ Văn Khải phụ trách thiết kế xây dựng thành mới, do Tùy Văn Đế từng được phong là Đại Hưng công, do đó thành mang tên Đại Hưng thành, tháng 3 ÂL năm sau thì hoàn thành.[84]

Đại Hưng thành tham khảo kinh thành Lạc Dương của Bắc Ngụy và Nghiệp Đô Nam thành của Bắc Tề, thành trì có bố cục chỉnh tề thống nhất, có hình dạng cấu trúc giống hình chữ nhật. Toàn thành có ba bộ phận: cung thành, hoàng thành, lý phường, hoàn toàn tuân theo bố cục đối xứng đông-tây. Lý phường có diện tích ước tính chiếm 88,8% tổng diện tích toàn thành, mở rộng đáng kể khu nhà của cư dân là một đặc điểm lớn trong thiết kế kiến trúc tổng thể của Đại Hưng thành. Nền thành nằm trên Long Thủ Nguyên, bắc kề sông Vị, nam tựa vào sông Básông Sản, địa hình nam cao bắc thấp, ở nam thành núi đồi gợn sóng.[85] "Lục Pha" (tức sáu dốc) ở phía nam của Long Thủ Nguyên được xem là "Lục hào" trong Can Chi, theo thứ tự gọi là Sơ Cửu, Cửu Nhị, Cửu Tam, Cửu Tứ, Cửu Ngũ, Thượng Cửu. Căn cứ theo Dịch Kinh, Sơ Cửu đại diện cho "tiềm long vật dụng", Cửu Nhị là "kiến long tại điền, lợi kiến đại nhân". "Đại nhân" thể hiện người tài đức, vì vậy là nơi thích hợp để xây cung thành làm nơi đế vương cư trú. Cửu Tam thể hiện "quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược lệ vô cữu", tùy thời cảnh báo ở địa vị cao mà không kiêu, ở địa vị thấp mà không ưu, do vậy xây Hoàng thành để cho văn võ bá quan mãi kiện cường, trung quân cần chính. Cửu ngũ thể hiện "Cửu ngũ chí tôn", thuộc nơi "phi long", không muốn người thường ở. Do vậy, trên gò cao này hướng theo trục đông-tây, xây dựng đối xứng Đại Hưng Thiện tự của Phật giáo ở mặt đông, và Huyền Đô quán của Đạo giáo ở mặt tây, hy vọng có thể mượn thần minh để trấn áp khí đế vương ở gò cao Cửu Ngũ. Do tử vi, Hoàng cung chỉ có thể bố trí ở vùng đất tương đối thấp ven phía bắc Đại Hưng thành, tuy thế bắc biên có sông Vị nên cũng khá thích hợp cho phòng ngự.[86] "Lục Pha" trở thành khung xương của Đại Hưng thành, khiến hoàng cung, triều đình, tự miếu và khu dân cư phải đối chiếu theo mà hình thành. Giữa các đồi núi là những khu đất thấp, người ta khai kênh dẫn nước, nạo vét ao hồ. Tận dụng lợi thế địa hình, người ta tăng cường không gian lập thể, cảnh tượng thêm hùng vĩ.

Đại Hưng thành là một trong những thành thị lớn nhất trên thế giới đương thời,[17] Thượng Kinh Long Tuyền phủ của Bột Hải Quốc phỏng theo quy hoạch của Trường An, Bình Thành Kinh và Bình An Kinh của Oa Quốc không chỉ hình dạng và bố cục mô phỏng theo Trường An mà ngay cả cung điện, cổng thành, đường phố cũng đều lấy tên theo, như Chu Tước môn và Chu Tước đại đạo.[87]